Qua đèo Lò Xo, lòng đã bớt lo
Đèo Lò Xo dài 38 km, đi qua địa bàn hai tỉnh Quảng Nam, Kon Tum nhưng có đến 32 điểm đen và hàng loạt điểm tiềm ẩn TNGT. Năm 2018, sau nhiều vụ tai nạn thảm khốc, đặc biệt có hai xe khách giường nằm lao xuống vực, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt nguồn kinh phí gần 90 tỷ đồng để Cục Quản lý Đường bộ (QLĐB) III tiến hành xử lý cấp bách các điểm đen trên đèo. Được biết, đây là lần cải tạo quy mô nhất kể từ ngày đoạn đường này được đưa vào sử dụng.
Phân tích giải pháp tổng thể, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng QLĐB III cho biết: “Đèo Lò Xo có dốc dọc rất lớn, đường cong cua kéo dài liên tục, vì vậy khi tiến hành cải tạo, chúng tôi ưu tiên gia cố, bổ sung hệ thống tường phòng hộ, đường cứu nạn, xử lý cục bộ, mở rộng các bụng đường cong. Ngoài ra, để chủ động phòng ngừa tai nạn, cục đã lắp hệ thống camera giám sát tốc độ, bố trí các điểm dừng kiểm tra trên đèo trước khi xe xuống dốc, sơn gờ giảm tốc, trồng cây phòng hộ phía ta-luy âm…”.
Đường nhánh cứu nạn là một giải pháp hiệu quả được áp dụng nhiều trên thế giới giúp hạn chế thấp nhất thiệt hại tai nạn trên các đèo dốc. Với kết cấu độ dốc ngược, mặt đường làm bằng vật liệu rời rạc không lu lèn, khi xe mất phanh lao vào sẽ dần giảm được tốc độ để dừng lại an toàn. Tuy nhiên, khi đưa áp dụng vào thực địa ở Việt Nam, mà cụ thể là tại đèo Lò Xo thì có những vị trí rất nguy hiểm nhưng địa hình không cho phép làm được đường cứu nạn.

Cán bộ Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra hệ thống tường lốp trên QL 6
Ông Trịnh Đức Liêm, người chủ trì thiết kế Dự án nghiên cứu tổng thể nâng cao ATGT đèo Lò Xo, Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 3 của Cục QLĐB III cho biết: Với địa hình một bên vực sâu, một bên núi cao, có cả rừng quốc gia, rừng đặc dụng, rất khó để lựa chọn được vị trí xây đường cứu nạn đạt chuẩn với chiều dài 150 - 200 m trên đèo Lò Xo. Vì vậy, dựa trên nguyên lý đường cứu nạn, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã cho phép Cục QLĐB III vận dụng linh hoạt xây 10 hốc cứu nạn với chiều dài chỉ khoảng 50 m, kết hợp tăng độ dốc ngược và làm tường lốp giảm chấn. Ngoài ra, ở những vị trí quá khó khăn về mặt bằng, chúng tôi bố trí các làn đường hãm xe, rải sỏi đá không lu lèn làm điểm tỳ giảm tốc cho lái xe trong tình huống khẩn cấp.
Ghi nhận tại đèo Lò Xo cho thấy, từ khi cải tạo công trình đầu tiên vào tháng 9-2018 cho đến nay, tuy vẫn còn hiện tượng xe tông va, mất phanh nhưng thương vong đã giảm hẳn. Đặc biệt, TNGT trên đèo đã giảm từ 18 vụ với 5 người chết, 72 người bị thương năm 2018 xuống còn 11 vụ, 6 người bị thương và không có ai thiệt mạng trong năm 2019. Riêng nguyên nhân bước đầu của vụ TNGT ngày 19-2-2020 khiến hai du khách người Đức tử vong trên đèo Lò Xo vừa qua cũng được xác định phần nhiều do yếu tố chủ quan.
Thường xuyên chở hàng qua đèo Lò Xo, anh Trương Quốc Đạt, lái xe Công ty CP Chiến Thắng nhận định: “Tuyến đường này giờ an toàn hơn nhiều rồi! Cuối năm ngoái, trên đường từ Đà Nẵng về Kon Tum qua đây, chính bản thân tôi đã thoát nạn trong gang tấc. Khi phát hiện xe mất phanh, cả hai đường cứu nạn gần nhất đều có xe đỗ nên tôi cố gắng điều khiển để lao vào hốc cứu nạn đang xây dựng phía dưới. Xe dừng lại an toàn, người không xây xước chứ nếu là trước đây, chắc khó còn lành lặn”.
Giải pháp của “nhà nghèo”
Để xử lý các điểm đen TNGT cần thực hiện tổng hợp rất nhiều giải pháp. Tuy nhiên, mọi việc phải làm trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả. Ví như để giải bài toán thay thế tường hộ lan con xoay được nhập khẩu từ Hàn Quốc với giá thành rất đắt, Vụ trưởng ATGT, Tổng cục ĐBVN Vũ Ngọc Lăng cùng một chuyên viên của vụ đã nghiên cứu, thí điểm tận dụng đổ cát vào trong lốp ô-tô cũ, sau đó đóng cọc ghép lại làm tường chắn. Hệ thống tường lốp đầu tiên lắp đặt tại QL.12A đi Cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) ngay sau đó đã “đón” ba xe container mất phanh không thiệt hại về người. Từ hiệu quả thực tế, sáng kiến này đang được nhân rộng trên nhiều cung đường.
Đưa chúng tôi tới Km130+950, QL 6 (Hòa Bình), chỉ vào ngôi miếu phía sau tường lốp, Chi cục trưởng Quản lý đường bộ 1.1 (Tổng cục ĐBVN) Phạm Văn Toản cho biết: Vị trí này thường xuyên xảy ra tai nạn xe mất phanh lao vào vách đá. Năm 2016, từng có năm người chết vì TNGT nên các gia đình lập ra ngôi miếu này. Vì vậy, để giảm thương vong, chúng tôi đã lắp đặt hệ thống tường lốp giảm chấn. Từ khi hoàn thành năm 2017 cho đến nay, tường lốp đã đón được sáu xe an toàn, không có ai thiệt mạng. Thậm chí từng có xe đâm lao trèo lên tường lốp nhưng người trong ca-bin vẫn không sao.
Thống kê sơ bộ cho thấy, chỉ riêng năm 2019, hệ thống tường lốp đã cứu được bốn xe mất phanh trên QL 6, ba xe mất phanh trên đèo Lò Xo, ba xe tải mất phanh trên QL 12A, ba xe mất phanh trên QL 34B... Ông Trần Tuấn Anh, chuyên viên Vụ ATGT (Tổng cục ĐBVN), thành viên nghiên cứu giải pháp xử lý ATGT bằng tường lốp chia sẻ: Chúng tôi không có điều kiện về nguồn vốn nên đành phải thử nghiệm trong thực tiễn. Tuy nhiên rất đáng mừng là so tường hộ lan con xoay chi phí lên tới 14 -15 triệu đồng/md, tường lốp chỉ cần đầu tư khoảng 2 - 3 triệu đồng/md nhưng hiệu quả tương đương, chưa nói là tại một số địa hình đang phát huy tốt hơn, an toàn hơn.
Giảm tai nạn thảm khốc
Phân tích đặc thù giao thông nước ta, Vụ trưởng Vũ Ngọc Lăng cho rằng có ba điểm khác hẳn ở nước ngoài. Thứ nhất là tình trạng dân bám mặt đường làm nhà, buôn bán, sinh hoạt, mở đường ngang lối tắt dẫn đến nguy cơ TNGT rất cao; Thứ hai là giao thông hỗn hợp, tất cả các phương tiện từ thô sơ như xe đạp, xe máy, người đi bộ cho đến những loại xe to như container, sơ-mi rơ-moóc đều di chuyển chung trên một con đường. Thứ ba là ý thức tham gia giao thông của không ít người dân chưa cao, việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng sân siu, tùy tiện theo kiểu “sau lũy tre làng”.
“Vì vậy khi làm công tác ATGT phải chú ý từ những chi tiết nhỏ nhất, phù hợp đặc điểm giao thông từng vùng, miền, khu vực và xã hội, không thể áp dụng máy móc các điều kiện ở nước ngoài vào được. Có những điểm đen cần đầu tư nguồn lực rất lớn, nhưng có nơi chỉ cần khắc phục đúng giải pháp thì tai nạn lập tức giảm”, ông Lăng nhận định. Lấy thí dụ về giải pháp xử lý điểm đen TNGT tại Km86+00 - Km88+00 (QL 10 đoạn qua Thái Bình), Vụ trưởng ATGT cho biết, trước đây có tuần vị trí này liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn xe lao xuống ruộng. Vậy nhưng chỉ cần thực hiện giải pháp sơn gờ giảm tốc độ cải tiến theo dạng vạch đơn, cách nhau 3 - 4 m, tai nạn không xảy ra nữa.
Thời gian qua, nhiều giải pháp an toàn như: đinh phản quang, tiêu dẫn hướng, biển báo “dốc dài - đi số thấp”, điểm dừng kiểm tra kỹ thuật xe trên đèo, phủ mặt đường bằng vật liệu tạo nhám, tạo mầu… đã được Tổng cục ĐBVN triển khai và phát huy hiệu quả trên các tuyến QL. Đặc biệt, tại 25 vị trí đèo dốc nguy hiểm đã bố trí được đường cứu nạn giúp hàng chục xe mất phanh dừng lại an toàn mỗi năm. Tính từ năm 2016 đến nay, 245 km hộ lan phòng hộ, 11.200 km vạch sơn đường, 18.500 cụm biển báo cũng kịp thời được sửa chữa, bổ sung… giúp xóa dứt điểm 1.025 vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT. Riêng năm 2019, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đã xử lý được 100% các điểm đen tồn tại từ trước.
Theo nhandan.com.vn
|